Viêm da cơ địa (dân gian hay gọi là “chàm”) – là một bệnh da mãn tính phổ biến, ai cũng có thể mắc bệnh này. Bệnh này thường xuất hiện khi còn nhỏ. Viêm da cơ địa không lây từ người sang người, nguyên nhân gây ra bệnh viêm da cơ địa khá phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp bệnh không thể điều trị dứt điểm, mà có những thời điểm bệnh trở nên trầm trọng hơn, được gọi là “đợt bùng phát bệnh”, xen kẽ với những lần da dần cải thiện được gọi là thuyên giảm.
Mục lục
Dấu hiệu bệnh viêm da cơ địa?
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm da cơ địa là ngứa, ở một số bệnh nhân, triệu chứng này có thể là điều khiến bệnh nhân khủng hoảng nhất vì ngứa ảnh hưởng tới giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Mảng da khô, màu hồng đỏ hoặc nâu sẫm.
- Mảng da đỏ có thể rỉ nước, đặc biệt ở những bệnh nhân hay ngứa gãi chảy máu
- Da dày và cứng hơn.
- Tái đi tái lại
Những người mắc bệnh viêm da cơ địa thường đi kèm những tình trạng khác, chẳng hạn như:
- Hen suyễn và dị ứng, bao gồm dị ứng thức ăn.
- da khô vảy cá
- Trầm cảm hoặc lo lắng
- Mất ngủ
Đâu là nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa?
Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng da chàm/viêm da cơ địa, trong đó thường là:
- Di truyền hoặc biến dổ gen.
- Các vấn đề với hệ miễn dịch, khi hệ miễn dịch trở nên rối loạn hoặc hoạt động quá mạnh, khiến da bị viêm.
- Tiếp xúc với một số thứ trong môi trường, chẳng hạn như khói thuốc lá, sản phẩm về da và xà phòng, và một số chất gây ô nhiễm không khí.
Vậy viêm da cơ địa có được xem là một bệnh nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa thường không nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, việc gãi da quá mức, đặc biệt là khi móng tay dài, không vệ sinh kỹ có thể gây nhiễm trùng da sưng viêm.
Ngoài ra, khi viêm da cơ địa kéo dài một thời gian dài và không được điều trị đúng cách, sử dụng quá nhiều corticoid (loại thuốc chống viêm) có thể dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân, kèm sốt, bong da và ngứa liên tục.
Bạn nên làm gì khi đối mặt với viêm da cơ địa?
Khi có dấu hiệu nghi ngờ về viêm da cơ địa, hãy thăm khám chuyên khoa Da liễu để xác định bệnh và loại trừ các chẩn đoán khác.
Bên cạnh việc thăm khám bác sĩ, bạn có thể áp dụng những tips sau đây, với mục đích làm giảm các triệu chứng và ngăn chặn sự tái phát trong tương lai:
- Dưỡng ẩm da: Phối hợp với kem chống ngứa để giảm thiểu tình trạng khó chịu. Chọn những dòng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, an toàn trên da và thoa thường xuyên, dưỡng ẩm, mềm da khi thời tiết lạnh và khô.
- Kem kháng viêm: Kem kháng viêm giúp kiểm soát triệu chứng viêm, nhưng hãy sử dụng cẩn thận và theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
- Kháng sinh: Trong trường hợp nhiễm trùng da, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh.
Một điều quan trọng cần lưu ý chính là hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát, chẳng hạn như:
- Tránh thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.
- Tắm không quá lâu; mỗi lần tắm, giới hạn trong 5-15 phút và sử dụng nước ấm hơn là nước nóng.
- Nên dùng một loại nước hoa, xà phòng cố định và có tính tẩy rửa nhẹ nhàng; nếu muốn thay đổi, nên thử trên một vùng da mỏng trước để xem có gây kích ứng hay không.
- Hạn chế gãi da đến mức tối thiểu; đối với trẻ nhỏ, cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.
- Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm. Uống đủ nước.
Các biện pháp điều trị bổ sung: Liệu pháp miễn dịch và quang tuyến trị liệu có thể được áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Viêm da cơ địa có thể là một thách thức không hề nhỏ, nhưng với sự tư vấn và điều trị đúng cách, bạn có thể kiểm soát tình trạng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đừng bao giờ tự mình chịu đựng mà hãy tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế. Hãy yêu thương và chăm sóc làn da của bạn.