Một số trẻ ở tuổi đến trường gặp khó khăn trong học tập, đặc biệt là đọc chữ. Thông thường, các bậc phụ huynh cho rằng do trẻ chưa cố gắng. Tuy nhiên, có thể vấn đề đến từ những rối loạn trong quá trình phát triển ở khu vực xử lý ngôn ngữ của não bộ hay còn gọi là chứng khó đọc (dyslexia). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về chứng khó đọc hay rối loạn khó đọc ở bình luận bên dưới nhé
Chứng khó đọc là gì?
Chứng khó đọc là một rối loạn học tập liên quan đến khó khăn xoay quanh khả năng đọc, như là đọc chữ, đánh vần, viết và nói. Chứng khó đọc ảnh hưởng đến các khu vực xử lý ngôn ngữ của não bộ. Các em thường bị hiểu lầm là do trí thông minh kém và không chăm chỉ, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Trẻ mắc chứng khó đọc thông thường vẫn có thị lực bình thường và cũng thông minh như các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, trẻ gặp khó khăn khi kết nối các chữ cái chúng nhìn thấy với âm thanh mà những chữ này tạo ra, làm cho các em khó đánh vần, khó viết và phát âm rõ ràng.
Triệu chứng của hội chứng khó đọc
- Chậm đạt các mốc phát triển: Trẻ mắc chứng khó đọc thường học bò, đi bộ, tập nói,… muộn hơn so với các bạn cùng lứa. Trẻ có thể phát âm sai các từ hoặc không phân biệt được các âm từ khác nhau.
- Khó khăn khi học đọc: Trẻ thường gặp khó khăn khi phát âm, xử lý và hiểu cách phát âm của mỗi từ.
- Khó khăn khi học viết: Người mắc chứng khó đọc có thể viết sai từ hoặc nhanh chóng quên đi cách viết của từ.
- Khó xử lý âm thanh: Bệnh nhân gặp khó khăn khi xử lý âm thanh của những từ có nhiều âm tiết.
- Triệu chứng khác: Mất nhiều thời gian ghi nhớ các chữ cái trong bảng chữ cái và cách phát âm chúng; gặp khó khăn trong việc phối hợp các hoạt động; khó tập trung, khó diễn đạt suy nghĩ của mình….
Cha mẹ có thể làm gì?
- Giải quyết vấn đề sớm. Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc chứng khó đọc, hãy nói chuyện với bác sĩ và các chuyên gia càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm có thể cải thiện thành công tình trạng này.
- Đọc to cho con của bạn.
- Khuyến khích con đọc, đừng gây áp lực với con. Để cải thiện kỹ năng đọc, một đứa trẻ phải thực hành. Hãy khuyến khích con đọc một cách chậm rãi, đừng gây áp lực với bé.